Lượt xem: 303

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tăng cường công tác ứng phó hạn, mặn

Những ngày qua, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với các tỉnh ven biển, trong đó có tỉnh Sóc Trăng, nắng nóng kéo dài đã gây ra hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân. Để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, nhằm đảm bảo nguồn nước cung cấp cho diện tích lúa Đông - Xuân muộn tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

 


Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng phân công cán bộ trực cống 24/24h. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh đã xuống giống 41.424ha lúa Đông - Xuân muộn, cao hơn cùng kỳ năm trước 34%, tập trung ở các huyện: Kế Sách, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị, Long Phú, Mỹ Xuyên và thành phố Sóc Trăng. Theo đó, trà lúa giai đoạn mạ 268ha; đẻ nhánh 13.860ha; đòng 16.798ha; trổ chín 10.474ha. Nhờ thực hiện sớm công tác phòng, chống xâm nhập mặn ngay từ đầu mùa khô nên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ động tạo điều kiện để nông dân vùng có nguy cơ nhiễm mặn (Long Phú - Tiếp Nhựt) thực hiện thắng lợi vụ lúa Đông - Xuân năm 2023 - 2024. Tuy nhiên, do giá lúa tăng cao, một bộ phận nông dân tiếp tục sản xuất vụ lúa Đông - Xuân muộn (vụ 3) vào thời điểm cao điểm xâm nhập mặn. Ghi nhận tại huyện Long Phú, trong vụ lúa Đông - Xuân muộn có 573ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn, trong đó ảnh hưởng mức độ 10 - 30% hơn 331ha; trên 30 - 70% hơn 209ha và có 32ha bị thiệt hại hoàn toàn trên lúa giai đoạn đẻ nhánh.

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt trong thời gian tới, theo nhận định của cơ quan chuyên môn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tranh thủ khi có nguồn nước ngọt trên sông sẽ vận hành mở cống đưa nước vào tích trữ trong các kênh, rạch, kênh nội đồng… và tăng cường công tác thông tin diễn biến độ mặn từng giờ, từng ngày đến bà con nông dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook… để hộ dân tích trữ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

“Thực hiện khuyến cáo của ngành chuyên môn, trong vụ lúa Đông - Xuân muộn năm 2023 - 2024, tôi đã xuống giống lúa theo đúng lịch thời vụ được ngành chuyên môn triển khai. Đồng thời, trong suốt quá trình canh tác lúa, tôi cũng thường theo dõi thông tin độ mặn địa phương cập nhật trên zalo, nhằm chủ động tích trữ nước cung cấp cho lúa nên diện tích lúa 1ha của gia đình tôi đảm bảo lượng nước ổn định trong ruộng, giúp lúa phát triển tốt. Hiện tại, lúa đang giai đoạn đòng trổ, đảm bảo diện tích lúa đến lúc thu hoạch sẽ tránh được hạn, mặn” - ông Đặng Thanh Hoàng, xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, cho biết, để chủ động ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 04/CĐ-TTg về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công điện số 19/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long; Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô, năm 2023 - 2024. Cùng với đó, đơn vị sẽ thường xuyên cập nhật và thông tin kịp thời về tình hình nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn, lịch vận hành các cống trên các phương tiện truyền thông đại chúng, zalo… để người dân biết và chủ động kiểm tra, đo độ mặn nước trước khi bơm lấy nước trữ và bơm tưới.


Ông Đặng Thanh Hoàng, xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thực hiện canh tác lúa Đông - Xuân muộn, năm 2023- 2024 theo lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn, nên diện tích 1ha lúa của ông tránh bị ảnh hưởng hạn, mặn. Ảnh: Thúy Liễu

 

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tăng cường việc tích trữ nước nông hộ, chuẩn bị các phương tiện lấy nước phục vụ sản xuất khi có điều kiện. Thực hiện nạo vét các tuyến kênh trục để chủ động trong việc tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất; sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi; phân công lực lượng trực cống 24/24 để kịp thời đóng, mở cống lấy nước ngọt và ngăn nước mặn…; đồng thời, yêu cầu các địa phương có diện tích cây ăn trái, tăng cường khuyến cáo nhà vườn tiếp tục thực hiện việc trữ nước trong các ao, hồ, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây.

Tình hình xâm nhập mặn đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm, do đó bà con nông dân, đặc biệt là các nhà vườn có diện tích trồng cây ăn trái cần quan tâm sâu sát bờ bao quanh vườn, tránh để nước mặn rò rỉ vào bên trong vườn, làm ảnh hưởng đến diện tích cây ăn trái tại hộ.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 85
  • Hôm nay: 376
  • Trong tuần: 70,803
  • Tất cả: 11,802,810